Nổ lốp xe ô tô là một trong những sự cố có thể xảy ra bất ngờ khiến nhiều tài xế lo lắng, khó vững với những “tài xế mới” để xử lý tình huống. Việc nổ lốp sẽ gây chao đảo mạnh làm xe mất lái, gây nên tình trạng tông trực diện vào xe khác hoặc dải phân cách, thậm chí là lật xe. Bài viết này sẽ hướng dẫn tài xế mới cách xử lý tình huống nổ lốp xe ô tô một cách bình tĩnh và an toàn, đồng thời chia sẻ những biện pháp phòng ngừa để hạn chế tối đa nguy cơ nổ lốp.
1. 6 nguyên nhân gây nổ lốp xe ô tô thường gặp
1.1. Lốp bị non hơi
Áp suất trong lốp xe ô tô không đảm bảo sẽ khiến lốp chịu áp lực quá lớn là nguyên nhân chính dẫn đến nổ lốp xe. Khi chạy lốp xe non hơi khiến thành lốp bị cong, bẹp, và chịu lực ngang do chính tải trọng xe, gây nên hiện tượng gãy thành lốp quanh chu vi thành lốp. Khi lốp bố thép thành lốp bị gãy, lốp sẽ mất khả năng chịu tải thành lốp và gây nổ lốp.
Áp suất lốp xe ô tô bị non hơi gây gãy lốp, lớp cao su vỏ lốp bị mài mòn theo chu vi là dấu hiệu rõ ràng của thành lốp bị gãy
1.2. Lốp quá căng
Nếu áp suất lốp bơm quá căng cũng có thể gây nguy cơ nổ lốp xe ô tô. Bởi vì, khi lốp xe bị bơm quá căng, không khí bên trong lốp xe nóng lên và gây áp lực lớn lên thành lốp. Điều này rất dễ khiến lốp xe bị nổ khi bị chèn ép, va chạm mạnh với vật cản hoặc phương tiện khác.
Nên bơm áp suất lốp theo tiêu chuẩn, thường được dán tại khung cửa xe bên trái. Áp suất lốp tiêu chuẩn của xe thường thông thường là 2.0 ~ 2.2kPa cho xe SUV cỡ lớn như Fortuner, khoảng 2.3 ~ 2.5kPa cho xe cỡ nhỏ như Vios, Corolla Cross. Và áp lực tối đa của lốp thông thường là 3.5kPa.
Áp suất lốp tiêu chuẩn cho lốp theo xe thường được dán tại khung cửa bên trái
1.3. Đâm phải những vật sắc nhọn
Khi lốp xe ô tô cán phải vật sắc nhọn như đinh, đá găm hoặc miếng sắt sẽ dẫn đến thủng và làm xì hơi bánh xe. Hoặc nghiêm trọng hơn là nổ lốp nếu xe đang chạy với tốc độ cao. Bên cạnh đó, với những chiếc xe tải, khi bánh xe bị xì hơi có thể gây mất cân bằng và dễ xảy ra hiện tượng lật vô cùng nguy hiểm.
1.4. Va đập đột ngột
Ngoài đâm phải những vật sắc nhọn, việc va đập đột ngột, đập mạnh vào ổ gà, gờ hoặc vỉa hè có cạnh sắc cũng là nguyên dân dẫn đến nổ lốp xe ô tô. Trường hợp này rất dễ xảy ra khi xe ô tô đang di chuyển với tốc độ cao.
1.5. Lốp cũ và bị mòn nhiều
Theo các nhà sản xuất như Bridgestone khuyến cáo, thời hạn sử dụng lốp là 7 năm hoặc độ sâu gai tại điểm báo mòn là 1.6mm.
Trong quá trình sử dụng, lốp xe sẽ bị hao mòn, sợi cao su và sợi bố bị tách ra khiến cho lốp mỏng và giảm khả năng chịu áp lực. Việc sử dụng lốp xe quá cũ hoặc bị mòn nhiều có thể khiến các bộ phận bị hư hỏng khi vận hành xe ở tốc độ cao, cộng với các tác nhân như nhiệt độ, áp suất lốp, xe chở vượt tải trọng hay cán phải vật sắc nhọn,… dễ dẫn đến nổ lốp xe.
Sử dụng lốp xe quá cũ hoặc bị mòn nhiều sẽ dẫn đến nguy cơ nổ lốp
1.6. Chở quá tải trọng
Lốp xe ô tô được sản xuất với khả năng chịu tải trọng nhất định. Do vậy, việc xe chở quá trọng tải tối đa sẽ tạo ra áp lực lớn hơn lên lốp, trong quá trình di chuyển, ma sát lớn hơn với mặt đường, sinh ra lượng nhiệt lớn, tạo áp lực trực tiếp lên lốp xe khiến lốp phát nổ bất cứ lúc nào.
2. 6 bước xử lý nổ lốp xe hiệu quả – tức thời
Dưới đây là một số cách xử lý nổ lốp xe ô tô hiệu quả mà các bác tài có thể tham khảo để tránh những trường hợp xấu không may xảy ra:
- Giữ thật chắc vô lăng: Nếu bị nổ lốp xe ô tô bất ngờ, người lái cần phải bình tĩnh và cố gắng giữ thật chắc vô lăng để tránh mất kiểm soát xe. Sau đó điều khiển xe tiếp tục đi thẳng, nếu xe đi lệch thì nên bẻ lái với hướng ngược lại để xe đi đúng vào làn đường của mình nhằm hạn chế tình trạng xe lấn sang dải phân cách hoặc làn của phương tiện khác.
- Giảm nhẹ chân ga từ từ: Xe ô tô sẽ có tình trạng xóc rất mạnh khi bị nổ lốp, do đó người lái cần kiểm soát tốt tốc độ, không được thả chân ga ngay lập tức mà hãy giảm nhẹ từ từ.
- Rà phanh: Sau khi thả nhẹ chân ga, người lái bắt đầu rà phanh để giảm tốc độ xe nhằm tránh xảy ra tai nạn.
- Quan sát và tấp vào lề đường: Khi tình hình đã được kiểm soát, người lái cần phải bật đèn khẩn cấp để báo hiệu cho các phương tiện khác biết. Sau đó, hãy quan sát xung quanh và tìm vị trí an toàn để tấp xe vào lề đường và dừng lại. Tài xế cần lưu ý rằng, nếu xe vẫn còn di chuyển được thì không nên dừng lại giữa đường.
- Thay lốp xe mới hoặc gọi ngay cho cứu hộ: Sau khi xe đã đỗ ở nơi an toàn, nếu có sẵn lốp dự phòng thì người lái hãy tiến hành thay lốp mới. Trong trường hợp không có lốp dự phòng thì hãy gọi ngay dịch vụ cứu hộ để kéo xe về và hỗ trợ sửa chữa.
Xe bị nổ lốp cần dừng lại ở nơi an toàn và tiến hành thay lốp mới
3. 4 biện pháp phòng ngừa hiện tượng nổ lốp xe ô tô
Để khắc phục hiện tượng nổ lốp xe ô tô, tài xế có thể áp dụng các biện pháp phòng tránh sau đây:
3.1. Thường xuyên kiểm tra tình trạng lốp xe
Người điều khiển phương tiện cần phải thường xuyên kiểm tra lốp xe trước khi bắt đầu mỗi hành trình. Người lái có thể đi vòng quanh xe và quan sát bằng mắt thường để phát hiện những dấu hiệu bất thường như lốp bị chảy, nứt, rách,…
Nếu lốp cũ hoặc bị mòn nhiều thì nên thay mới, không nên sử dụng tiếp sẽ rất nguy hiểm. Khi mua lốp mới cần chú ý đọc ngày tháng sản xuất trên lốp. Khi thay lốp mới, tài xế có thểnên ghi lại thời gian sản xuất được dập trên lốp xe và chỉ số km hiển thị trên đồng hồ, để có thể lên lịch đảo lốp và kiểm tra phù hợp..
3.2. Dùng lốp xe có chất lượng tốt
Chủ phương tiện nên sử dụng loại lốp xe ô tô có chất lượng cao cho hai bánh xe trước, vì chúng rất dễ bị mòn hơn hai bánh sau. Nếu thấy gai mòn không đều nhau thì cần phải thực hiện đảo lốp để lốp mòn đều, đồng thời hạn chế dùng lốp dự phòng thay cho bánh trước.
3.3. Lốp xe ôtô phải dùng đúng áp suất tiêu chuẩn
Trong quá trình vận hành xe ô tô, người lái cần bơm lốp định kỳ để đảm bảo duy trì áp suất tiêu chuẩn, kể cả lốp dự phòng, để tránh hư hỏng lốp xe như đã nêu ở phần trên. Do đó, việc duy trì áp suất lốp ổn định là điều vô cùng quan trọng để đảm bảo an toàn và hiệu suất khi lái xe.
3.4. Lưu ý giảm tốc độ khi ôm cua
Khi điều khiển xe ô tô ở tốc độ cao và thực hiện ôm cua có thể gây ra lực bẻ ngang lớn lên thành lốp. Điều này không chỉ đặt lốp trong tình huống đối mặt với lực căng ngang mà còn tạo áp suất lớn lên thành lốp, làm tăng rủi ro nổ lốp xe ô tô. Chình vì vậy, khi ôm cua thì tài xế nên giảm tốc độ để đảm bảo an toàn.
Khi xe ô tô ôm cua nên giảm tốc độ để đảm bảo an toàn
4. 3 sai lầm thường gặp trong quá trình xử lý nổ lốp xe ô tô
Khi xe ô tô bị nổ lốp đột ngột, các tài xế thường mắc phải 3 sai lầm sau:
- Đạp phanh gấp: Khi xe ô tô bị nổ lốp, phản xạ đầu tiên của nhiều người là đạp phanh gấp để xe dừng lại. Tuy nhiên, nếu xe đang chạy ở tốc độ cao hoặc đi trên đường cao tốc mà đạp phanh gấp sẽ làm xe mất độ bám, bị trượt và dễ gây ra tai nạn.
- Đánh lái mạnh: Khi xảy ra nổ lốp, xe ô tô thường chao đảo và gây khó khăn cho việc điều khiển vô lăng, đặc biệt là bánh xe trước. Khi đó, nhiều người sẽ hốt hoảng và đánh mạnh tay lái, nhưng điều này sẽ làm tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.
- Đột ngột thả chân ga: Trong trường hợp nổ lốp xe ô tô, nếu tài xế thả hẳn chân ga thì xe có thể chuyển động tự do và không thể kiểm soát. Thay vì thả chân ga ngay lập tức, tài xế hãy giảm ga từ từ kết hợp với rà phanh để kiểm soát tình huống.
Nổ lốp xe ô tô là một vấn đề nghiêm trọng, có thể xảy ra với bất kỳ loại xe nào và do nhiều nguyên nhân khác nhau như áp suất chưa đúng tiêu chuẩn, va chạm mạnh, lốp quá cũ,… Khi gặp phải tình huống xe bị nổ lốp, người lái cần phải giữ bình tĩnh, giữ thật chắc vô lăng để kiểm soát xe, giảm tốc độ, đưa xe vào lề đường an toàn để kiểm tra và thay lốp. Hy vọng những kiến thức hữu ích chia sẻ bên trên sẽ giúp các tài xế tham gia giao thông một cách an toàn nhất.
Mọi chi tiết vui lòng liên hệ với Toyota Phú Thọ qua số Hotline: 0904 65 19 19 để được tư vấn và hỗ trợ!